Đại diện của Honda Việt Nam thừa nhận có vụ việc đại lý ủy quyền của hãng bàn giao xe bị gỉ sét, màu sơn khác thường cho khách hàng.
Honda Việt Nam thừa nhận bàn giao xe bị gỉ sét
Liên quan tới vụ việc khách hàng là anh T. (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) mua xe Honda BR-V tại Honda Ô tô Vĩnh Phúc phản ánh chất lượng xe không như cam kết, Honda Việt Nam đã có thông tin phản hồi tới VietnamFinance.
Theo đó, đại diện của Honda Việt Nam thừa nhận có vụ việc đại lý bàn giao xe bị gỉ sét, màu sơn khác thường cho khách hàng.
Cụ thể, bà Lê Thảo Anh – Đại diện Honda Việt Nam cho biết: “Honda Việt Nam và nhà phân phối có tiếp nhận được phản ánh của một khách hàng mua xe Honda BR-V phiên bản L mới 100% tại đại lý Honda Vĩnh Phúc, nhưng nhận được chiếc xe có nhiều dấu hiệu bất thường như bị gỉ sét, màu sơn thân xe khác thường như VietnamFinance đã đăng tải”.
Đại diện PR của Honda Việt Nam cũng cho biết chiếc xe bàn giao cho anh T. được sản xuất vào tháng 2/2024, nhập khẩu về đến Việt Nam vào tháng 3/2024 và giao cho khách hàng vào đầu tháng 4/2024.
Về nguyên nhân của gỉ sét và màu sơn khác thường, đại diện của Honda Việt Nam chia sẻ rằng bước đầu xác định là do các tác nhân bên ngoài bám lên bề mặt sơn.
Honda BR-V của khách hàng Cao Duy T. (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vừa mới mua đã có nhiều chi tiết có dấu hiệu gỉ sét |
Trước đó, trao đổi với VietnamFinance, anh T. cho biết: “Sau một thời gian dài làm việc thì Honda Việt Nam và đại lý Honda Vĩnh phúc mới thống nhất được phương án xử lý cho tôi, đó là hoàn lại toàn bộ số tiền mua xe và thu hồi chiếc xe này”.
Như vậy, kết thúc quá trình gian nan kéo dài 3 tháng đòi quyền lợi, nếu không có đơn “cầu cứu” gửi tới cơ quan báo chí, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng và nhờ luật sư đứng ra đòi lại quyền lợi và làm căng như vậy, chưa chắc đại lý và Honda Việt Nam đã chịu hoàn lại tiền cho anh T.
Tuy nhiên, theo anh T., anh vẫn chịu thiệt hại, đó là khoản lãi suất vay ngân hàng để mua xe phải trả hàng tháng, cùng 1 số khoản chi phí khác, ước tính tốn gần 30 triệu đồng.
Khách hàng mỏi mắt đòi quyền lợi
Vụ việc của anh T. tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ là một trong nhiều vụ việc liên quan tới vấn đề chất lượng của xe khi khách hàng mua xe tại các đại lý ô tô uỷ quyền của Honda Việt Nam.
Cụ thể, vào tháng 2/2023, một khách hàng tên Trần Thiên Thông (Bảo Lộc, Lâm Đồng) cũng từng đặt mua chiếc Honda Civic RS màu trắng tại đại lý Honda Võ Văn Kiệt. Khi xe được bàn giao, khách hàng bất ngờ phát hiện màu sơn ở cánh cửa bên ghế lái có phần chênh lệch so với toàn bộ xe.
Sau khi phát hiện có dấu hiện bất thường, anh Thông đã trao đổi với đại lý với mong muốn được đổi sang một chiếc xe mới hoặc hoàn 100% số tiền đặt mua. Tuy nhiên, khách hàng và đại lý không đạt được thỏa thuận.
Sau nhiều lần bị Honda Ô tô Sài Gòn – Võ Văn Kiệt chối bỏ trách nhiệm, anh Thông đã kiến nghị lên Honda Việt Nam để được giải quyết. Kết quả giám định sau cùng của Honda Việt Nam cho thấy màu sơn trên chiếc Honda Civic RS đã có dấu hiệu bị sửa chữa. Theo biên bản từ Honda Việt Nam, độ dày của phần sai màu ghi nhận chênh lệch 30-40 micro m so với lớp sơn xung quanh.
Tới ngày 17/4/2023, phía Honda Việt Nam đã gửi thư điện tử với nội dung: “Honda Việt Nam đề xuất đổi một chiếc xe Civic RS mới cho anh Thông, thay thế chiếc xe đang sử dụng”, qua đó khép lại vụ việc kéo dài khoảng 4 tháng.
Qua hai vụ việc nêu trên đều có điểm chung đó là khách hàng “mỏi mắt trong việc đi đòi quyền lợi”, mãi tới khi chủ xe làm căng, báo chí vào cuộc thì khi đó Honda Việt Nam mới giải quyết dứt điểm vụ việc.
Honda Việt Nam có tôn trọng khách hàng
Chia sẻ với VietnamFinance, anh Lê Văn Nam (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết: “Sau vụ việc khách hàng tại Lâm Đồng và vụ việc của khách hàng ở Vĩnh Phúc nhận xe mới tại đại lý uỷ quyền của Honda Việt Nam có dấu hiệu “bất thường” về màu sơn, tôi cho rằng Honda Việt Nam chưa thực tôn trọng khách hàng của mình”.
“Ô tô là tài sản có giá trị lớn, khách hàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ (tích cóp từ nhiều năm hoạc vay ngân hàng) để mua xe nhưng nhận lại một mẫu xe với nhiều vấn đề khác nhau thì khó có thể chấp nhận được. Trường hợp chiếc xe sử dụng được một thời gian bị lỗi thì không nói, đằng này xe mới 100% vừa bàn giao đã xuất hiện vấn đề thì cần xem xét lại”, anh Nam nói.
Cũng theo anh Nam, Honda Việt Nam là thương hiệu có tuổi đời xuất hiện tại Việt Nam từ lâu và các dòng xe của hãng được người tiêu dùng trong nước đánh giao về sự bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, những sự việc xảy ra gần đây đã khiến hình ảnh của hãng trong mắt người tiêu dùng đang xấu đi và nếu tình trạng này còn tái diễn, việc Honda Việt Nam bị người dùng “quay lưng” là điều khó tránh khỏi.
Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Văn Đoàn (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), cho rằng: “Hai mẫu xe ô tô trong các vụ việc gần đây của Honda Việt Nam đều có điểm chung là xuất hiện màu sơn bất thường, điều này cho thấy khâu kiểm định chất lượng các sản phẩm trước khi bàn giao tới tay cho người dùng của Honda Việt Nam đang có vấn đề. Đặc biệt là tại một số đại lý uỷ quyền của hãng khi bàn giao xe xong chối bỏ trách nhiệm đẩy khách hàng vào thế khó”.
“Để gây dựng được thương hiệu trong mắt người tiêu dùng và sản phẩm được khách hàng đón nhận có thể mất tới hàng chục năm, trong khi đó sự “sụp đổ” của một thương hiệu chỉ diễn ra trong tích tắc. Nếu một thương hiệu không có sự tôn trọng đối với khách hàng của mình thì việc người dùng “quay lưng” chỉ là điều sớm muộn”, anh Đoàn cho hay.
Liên quan tới vụ việc khách hàng mua xe Honda BR-V mới tại Honda Vĩnh Phúc nhưng chiếc xe nhận được có nhiều dấu hiệu bất thường, ông Trần Hoàng Phong, quyền Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ký văn bản đề nghị Honda Việt Nam báo cáo chi tiết về sự việc bằng văn bản trước ngày 26/7/2024. Trong đó, có đánh giá về nguyên nhân gây ra hiện tượng, biện pháp khắc phục đối với trường hợp này và với các trường hợp tương tự (nếu có).
Tác giả: Duy Quang
Nguồn tin: vietnamfinance.vn
Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/khach-mua-xe-moi-ban-giao-xe-gi-set-honda-viet-nam-thieu-ton-trong-khach-hang-d113650.html