Thấy loạt thức ăn ở trường mẫu giáo, bố mẹ nào cũng nhìn chằm chằm.
Giai đoạn mẫu giáo là thời kỳ vàng để trẻ phát triển thể chất, đồng thời cũng là thời điểm lý tưởng để xây dựng thói quen ăn uống khoa học. Tuy nhiên, việc hiểu được khẩu vị và sở thích ăn uống của trẻ nhỏ lại không hề đơn giản, nhất là khi các bé ngày nay thường được nuông chiều và tiếp xúc với đa dạng loại thực phẩm từ sớm.
Để thu hút trẻ ăn ngon và đủ chất, cả phụ huynh và nhà trường cần có sự sáng tạo trong cách chế biến và trình bày món ăn. Một trường mẫu giáo chất lượng không chỉ cần đội ngũ giáo viên tận tâm, mà còn phải đảm bảo mỗi bữa ăn đều được xây dựng khoa học, đầy đủ dưỡng chất và hấp dẫn thị giác của trẻ.
Gần đây, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao với hình ảnh bữa trưa tại một trường mẫu giáo ở Thâm Quyến. Những món ăn được cô giáo chủ nhiệm chụp lại và chia sẻ trong nhóm phụ huynh đã nhanh chóng gây sốt. Bởi lẽ, không chỉ trình bày bắt mắt, thực đơn của trường còn đầy ắp những món ăn dinh dưỡng như sườn kho, gà chiên, mực xào rau củ, tôm luộc, cá phi lê, thịt viên, bắp cải xào, bánh ngọt, trái cây… khiến không ít bố mẹ phải trầm trồ.
Nhiều phụ huynh thậm chí đã hỏi xin địa chỉ trường và rủ nhau đến tận nơi để xin cho con mình theo học. Không quá ngạc nhiên, bởi bữa ăn tại đây được ví như ở nhà hàng cao cấp, vừa ngon miệng lại vừa đủ chất.
Chế độ ăn chuẩn cho trẻ mẫu giáo theo độ tuổi
Theo khuyến nghị của chuyên gia dinh dưỡng:
Trẻ từ 2–3 tuổi:
Nên ăn 4 bữa chính mỗi ngày (cháo, mì, súp, phở…), kết hợp với 300–400 ml sữa.
Khẩu phần gợi ý: gạo (150–200g), thịt/cá/tôm (120–150g), dầu mỡ (30–40g), rau xanh (150–200g), trái cây chín (200g).
Trẻ từ 3–5 tuổi:
Vẫn duy trì 4 bữa ăn mỗi ngày, nhưng tăng dần lượng thực phẩm theo nhu cầu của trẻ.
Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo hoặc uống nước ngọt trước bữa ăn.
Khẩu phần nên bao gồm: gạo (200–300g), thịt/cá/tôm (150–200g), dầu mỡ (30–40g), rau xanh (200–250g), trái cây chín (200–300g), sữa (300–400 ml).
Cha mẹ nên chủ động theo dõi thực đơn hằng ngày của con tại trường để đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng như cam kết. Nếu cần thiết, hãy phối hợp với nhà trường để điều chỉnh kịp thời.
Nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng dành cho trẻ mẫu giáo
Đầy đủ và cân đối năng lượng:
Bữa ăn cần đáp ứng đủ năng lượng để trẻ học tập, vui chơi và phát triển toàn diện. Khẩu phần cần kết hợp hợp lý giữa các nhóm chất: đạm, bột đường, béo, vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Đa dạng thực phẩm, phù hợp khẩu vị và mùa vụ:
Ưu tiên thực phẩm theo mùa, tươi, sạch, đảm bảo vệ sinh và không chứa hóa chất. Nên chọn món ăn trẻ yêu thích, trình bày đẹp mắt để kích thích vị giác và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Lưu ý thực phẩm nên và không nên sử dụng:
Nên dùng: sữa và các chế phẩm từ sữa, rau xanh, trái cây, các loại dầu thực vật tốt như dầu oliu, bơ, phô mai…
Không nên dùng: nước ngọt, thực phẩm nhiều đường, đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, các món cứng như ngô, mía, hạt cứng có thể ảnh hưởng đến răng và tiêu hóa của trẻ.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ
Link bài gốc
https://sohuutritue.net.vn/co-giao-chup-anh-com-trua-o-truong-mau-giao-gui-vao-nhom-lop-hoi-phu-huynh-keo-nhau-den-truong-doi-gap-hieu-truong-d310777.html